Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Dàn ý phân tích đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Đề : Phân tích tình trạng đất nước ta vào thời vua Lê – chúa Trịnh cuối thế kỉ XVIII qua đoạn trích “Chuyện cũ trong phú chúa Trịnh” (trích “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ).



DÀN Ý PHÂN TÍCH CHUYỆN CŨ TRONG PHỦ CHÚA TRỊNH

A. Mở bài :

+ Giới thiệu tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ.

+ Đoạn trích : tình trạng đất nước vào thời vua Lê – chúa Trịnh cuối thế kỉ XVIII và thái độ phê phán của tác giả.

B. Thân bài :

1.Tổng :

a. Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh : bộ mặt của giới cầm quyền phong kiến thời Lê – Trịnh được kể lại một cách sinh động, chân thực.

b. Ngôn ngữ miêu tả và kể chuyện của tác giả không che giấu thái độ căm ghét những kẻ gây hại cho nhân dân.

2. Phân :

a. Những thú xa hoa của chúa Trịnh Sâm : tô vẽ phô trương vẻ hào nhoáng, thú chơi phong lưu, sính đàn ca nhã nhạc. Ngôn ngữ miêu tả của Phạm Đình Hổ tỉ mỉ chi tiết giúp người đọc hình dung đầy đủ.

b. Bọn cận thần “nhờ gió bẻ măng” : lời kể cụ thể từng vụ việc và thủ đoạn bất lương của bọn tay chân nhà Chúa.

c. Tình cảnh khốn khổ của nhân dân : nhà văn ghi lại câu chuyện có thực kể lại việc xảy ra trong nhà mình.

d. Thái độ bất bình của nhà văn qua giọng kể.

3. Hợp :

a. Nghệ thuật tùy bút đem lại cái nhìn sinh động về bọn người quyền quý cũng như nỗi khổ của nhân dân.

b. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm

C. Kết bài :

Nêu cảm nhận sâu sắc của bản thân.

ĐOẠN VĂN THAM KHẢO


Chuyên cũ trong phủ chúa Trịnh là một trang tùy bút đặc sắc, rút trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ.

Tùy hứng mà viết, tùy bút mà viết, cảm hứng dào dạt, dâng trào, cảnh ăn chơi xa hoa của chúa Trịnh Sâm, cảnh bán hàng của bọn nội thần nội thị, cảnh tấu nhạc của bọn nhạc công cung đình tại chùa Trấn Quốc nơi Hồ Tây giữa thế ki XVIII, sự nhũng nhiễu cùa bọn hoạn quan khắp chốn dân gian... đã được tác giả Vũ trung tùy bút chấm phá qua một vài nét, thế mà ta chỉ đọc qua một lần là có thể nhớ mãi.

Chuyện cũ... đã xảy ra vào khoảng năm Giáp Ngọ - Ất Mùi (1774 - 1775), đó là lúc Đàng Ngoài "vô sự", là những năm tháng hoàng kim của Thịnh Vương (Trịnh Sâm); khi mà người ngọc Đặng Thị Huệ được chúa sủng ái trở thành nguyên phi. Trịnh Sâm sống trong xa hoa: thích đi chơi ngắm cảnh đẹp, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Chúa ra chơi cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ mỗi tháng ba bốn lần. Cảnh đón tiếp với các thứ nghi lễ thật tưng bừng độc đáo. Có "binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ"Có tổ chức hội chợ, do quan nội thần cải trang "đều bịt khăn, mặc đồ đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán”

Thuyền ngự đi tới đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ... Gác chuông chùa Trấn Quốc trở thành nơi hòa nhạc của bọn nhạc công cung đình. Đình đài, cung điện được xây dựng "liên tục" nhằm thỏa mãn cuộc sống ăn chơi của vua chúa và bọn quan lại thời Lê - Trịnh. Bao nhiêu tiền của, vàng bạc, châu báu, nước mắt mồ hôi của nhân dân bị bòn vét đến kiệt cùng.  Phạn Đình Hổ đã được mắt thấy tai nghe những Chuyện cũ trong phủ chúa Trinh nên cách kể, cách tả của ông rất sống động.

Để được sống trong xa hoa, hưởng lạc đế vương, từ chúa đến quan đều trở thành bọn cướp ngày ra sức hoành hành, trấn lột khắp chốn cùng quê. Chúa thì "sức thu lấy" trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian “không thiếu một thứ gì". Có những cây cảnh "cành lá rườm rà... như cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng" phải dùng đến một cơ binh mới khiêng nổi, từ bên bắc chở qua sông đem về. Trong phù chúa "điểm xuyết" bao núi non bộ trông lạ mắt như "bốn bể  đầu non". Vườn ngự uyển, trong những đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm "ổn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn".Cuộc sống cực kì xa hoa ấy là nguyên nhân cho sự sụp đổ ngai vàng ngày một ngày hai sẽ nổ ra. Đó là năm 1782, Trịnh Sâm qua đời; loạn kiêu binh nổ ra, kinh thành Thăng Long bị đốt phá tan hoang; năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà lần thứ nhất, cơ nghiệp họ Trịnh tan tành trong nháy mắt! "Cái triệu bất tường" mà Phạm Đình Hổ nghĩ tới thật linh nghiệm.

Bọn hoạn quan trong phủ chúa vừa trắng trợn vừa xảo quyệt, như dân gian đã khinh bỉ chửi vào mặt: "Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Chúng dùng thủ đoạn "nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm". Chỉ bằng hai chữ "phụng thủ" biên ngay vào chậu hoa cây cảnh, chim tốt khiếu hay của bất cứ nhà nào là chúng cướp được. Chúng còn lập mưu đêm đến cho tay chân sai lính lẻn vào "lấy phăng đi, rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền". Chúng ngang ngược "phá nhà hủy tường" của dân để khiêng hòn đá hoặc cây cối gì mà chúng cướp được! Đối với nhà giàu thì chúng lập mưu vu cho là "giấu vật cung phụng" để hành hạ, để làm tiền, nhiều người phải "bỏ của ra kêu van chí chết", có gia đình "phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ "

Gia đình tác giả thuộc hàng quan lại, quý tộc thời Lê - Trịnh. Trước sự nhũng nhiễu hoành hành, mẹ Phạm Đình Hổ là bà cung nhân phải sai người nhà chặt cây lê "cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa thơm lừng", hai cây lựu trắng, lựu đỏ "lúc ra quả trông rất đẹp". Chi tiết này, tình tiết này rất sống, rất thực.

Tác giả đã kể lại một chuyện có thật của gia đình mình ở phường Hà Khẩu để vừa tạo nên niềm tin cho người đọc mai hậu, vừa phê phán bộ mặt tham lam, ghê tởm của bọn quan lại thời Lê - Trịnh, vạch trần sự thối tha trong phủ chúa.

Trang tùy bút Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh của Phạm Đình Hổ có giá trị lịch sử sâu sắc, nó đã làm hiện lên cảnh vật và con người, cuộc sống xa hoa ăn chơi của vua chúa, hành động ăn cướp, làm tiền trắng trợn của bọn quan lại trong phủ chúa.


Ngòi bút của Phạm Đình Hổ rất trầm tĩnh và sâu sắc. Mọi cảm xúc, ý nghĩ của ông về nhân tình thế sự được gửi gắm qua những chi tiết, tình tiết, mẩu chuyện rất sống động, rất chọn lọc, đậm đà, nhã thú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét